ITSC - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo quốc tế trả lời phỏng vấn về công tác hỗ trợ, tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài.
Theo Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Chính phủ ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia mỗi năm, hàng năm có hàng nghìn lưu học sinh Lào và Campuchia đến học tập tập trung tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo quốc tế trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục & Đào tạo là đơn vị trực tiếp quản lý, hỗ trợ lưu học sinh nước ngoài nói chung, lưu học sinh Lào và Campuchia nói riêng, giúp các bạn lưu học sinh vượt qua những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, từng bước nâng cao chất lượng trong cuộc sống và học tập.
Lời đầu tiên cho tôi chân thành cảm ơn Bà đã tham gia trả lời phỏng vấn. Thưa bà, xin Bà giới thiệu về chức năng, hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo Quốc tế? Giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Chi: Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo quốc tế thuộc Cục Hợp tác quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiền thân là Trung tâm Phục vụ học sinh nước ngoài trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay Trung tâm có 3 phòng chức năng: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Lưu học sinh & Chuyên gia và Phòng Hợp tác - Đào tạo. Trung tâm thực hiện tiếp nhận, quản lý người nước ngoài đến học tập, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam; tuyển chọn và quản lý giáo viên, chuyên gia giáo dục của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; xúc tiến đầu tư và đào tạo quốc tế tại Việt Nam. Được biết hiện nay số lượng lào và campuchia chiếm phần lớn sinh viên tại Trung tâm. Ông bà có thể chia sẻ một số khó khăn mà các bạn sinh viên Lào, campuchia gặp phải trong thời gian học tập tại Việt Nam và các biện pháp hỗ trỡ lưu học sinh của Trung tâm?
Giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Chi : Việc sống xa quê hương tại một đất nước xa lạ với bất kỳ một lưu học sinh nào ở lứa tuổi 18,19 là điều không dễ dàng, buộc các em phải vượt qua mọi trở ngại, khó khăn mới có thể thích nghi được với cuộc sống mới và hoàn thành sự nghiệp học hành của mình. Khi sang học tập tại Việt Nam, khó khăn đầu tiên mà lưu học sinh gặp phải đó là tập quen dần với một văn hóa mới từ cách giao tiếp, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó rào cản về Ngôn ngữ, cũng là một trong những khó khăn không nhỏ đối với các bạn khi học tập, nghiên cứu trong môi trường ngôn ngữ không phải tiếng Mẹ đẻ. Cảm nhận sâu sắc những khó khăn này, Trung tâm với vai trò là cơ quan quản lý đã và đang luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các em bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, tạo cho các em cảm thấy Trung tâm chính là ngôi nhà thứ 2 và Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình. Mặc dù Trung tâm vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn về mặt kinh phí hoạt động, nhưng luôn quan tâm giải quyết đúng hạn, đúng quy định các thủ tục và chế độ mà lưu học sinh được hưởng gồm sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, trang cấp ban đầu, hỗ trợ tốt nghiệp và các khoản phí khác. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chú trọng việc nâng cao năng lực tiếng việt cho lưu học sinh như tổ chức các câu lạc bộ Bồi dưỡng tiếng Việt, các lớp phụ đạo để bổ sung kiến thức cho lưu học sinh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham gia các chương trình hoặt động hữu nghị do thành phố Hà Nội tổ chức .v.v.. Các chương trình giao lưu văn hóa, thể dục thể thao nhân ngày quốc khánh, ngày tết cổ truyền cũng được quan tâm tổ chức chu đáo nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước đặc biệt là hai nước bạn Lào, Campuchia. Qua những hoạt động giao lưu đó các em có thêm cơ hội giao lưu văn hóa với các bạn nước khác, qua đó tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt, làm giàu thêm vốn sống và tri thức của mình về thế giới. Đại dịch vừa qua chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình sinh hoạt và học tập của các bạn lưu học sinh, vậy trung tâm có những hoạt động cụ thể gì để đồng hành cùng các bạn lưu học sinh vượt qua những khó khăn trong đại dịch ? Giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Chi : Trong 3 năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp có những thời điểm Thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội rất nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh. Trung tâm thường xuyên nhắc nhở các bạn lưu học sinh khai báo theo hướng dẫn của cơ sở y tế, hỗ trợ sinh viên về thực hiện 5k của Chính phủ, phát khẩu trang y tế, phun khử khuẩn tại nơi ở, thực hiện các quy định giãn cách, hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho lưu học sinh ..v.v.. Trung tâm thành lập Ban chống dịch, cử cán bộ trực ban đảm bảo về các nguyên tắc chống dịch. Đối với lưu học sinh dính Covid – 19, bố trí tòa nhà riêng để làm nơi cách ly, phối hợp với cơ sở y tế để tổ chức cách ly tại các khu cách ly tập trung được chu đáo. Phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức tiêm vắc xin mũi 3 cho toàn bộ lưu học sinh lưu trú tại Trung tâm trong thời gian sớm nhất, việc nhập cảnh đối với lưu học sinh cũng hết sức khó khăn trong thời điểm covid – 19, Trung tâm đã hỗ trợ cho lưu học sinh về các thủ tục theo quy định, hỗ trợ xe đưa đón lưu học sinh tại các cửa khẩu. Trung tâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán các nước, các cơ sở giáo dục tiếp nhận lưu học sinh để nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như những khó khăn phát sinh trong quá trình học tập. Trong công tác tư vấn chọn ngành cho lưu học sinh sau khi kết thúc giai đoạn dự bị tiếng Việt, Trung tâm đóng vai trò chủ trì và phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về ngành nghề đào tạo tại Việt nam từ đó có thể chọn cho mình ngành học và cơ sở đào tạo phù hợp với sở trường của mình, cũng như triển vọng của ngành nghề đó trong tương lai. Kết quả của việc làm đó nhằm luôn đảm bảo cho các em có cuộc sống ổn định về tinh thần và vật chất trong suốt quá trình sinh sống và học tập tại Việt Nam. Được biết năm 2022 là năm đặc biệt giữa Việt Nam, campuchia, Lào. Vậy Trung tâm có những hoạt động gì để vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa ba nước trong công tác giáo dục? Giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Chi : Năm 2022 dấu mốc son đặc biệt Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 - 18/7/2022) và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022). Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia 2022 đã được chính thức khởi động bằng những chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao và nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức trong khuôn khổ năm đoàn kết hữu nghị khẳng định quyết tâm gìn giữ, vun đắp, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Về phía trung tâm Hỗ trợ đào tạo quốc tế, trong suốt những năm qua, để thực hiện tốt trọng trách mà Bộ giáo dục và Đào tạo tin tưởng và giao phó. Trung tâm luôn xác định rõ và tự hào về vai trò, sứ mệnh đặc biệt của mình, luôn là cây cầu kết nối tình hữu nghị, tình anh em gắn bó keo sơn giữa ba dân tộc. Bằng việc góp phần vào công tác đào tạo, bồi dưỡng và chăm lo cho thế hệ trẻ sinh viên các nước nói chung, sinh viên 2 nước Lào và Campuchia nói riêng đang học tập tại Việt Nam. Trung tâm mong muốn với cố gắng và nhiệt huyết của mình đang và sẽ góp phần tăng cường và phát huy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp thủy chung giữa ba dân tộc mà nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân ba nước đã dầy công vung đắp. Xin chân thành cảm ơn Giám đốc đã tham gia trả lời phỏng vấn! |
Tin khác