ITSC - Sáng ngày 19/8/2022 tại Hội trường G3, trường Đại học Xây dựng Hà Nội diễn ra chương trình Hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh (LHS) nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030, tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc dự và chỉ đạo hội nghị; Ngài Chay Navuth - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, Ngài Khamphan Khamone - Tham tán văn hóa, giáo dục Đại sứ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam; Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, cùng đại diện các Vụ, Cục Bộ GD&ĐT; đại diện hơn 100 cơ sở giáo dục (CSGD) đại học.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội nghị
Hoạt động đào tạo LHS chứng minh cho việc tạo dựng uy tín, xếp hạng chất lượng, hình thành môi trường quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng và đã đem lại những thành tựu đáng kể trong việc hiện đại hóa, quốc tế hóa hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có công tác đào tạo quốc tế được xem là một trong những nội dung chiến lược.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nói chung và công tác đào tạo quốc tế nói riêng, các điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận hợp tác về giáo dục và đào tạo đều có nội dung cụ thể về khuyến khích việc trao đổi, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài sang học tập tại Việt Nam.
Với chủ trương hội nhập mạnh mẽ và tinh thần hợp tác hữu nghị, các CSGD đã thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT, Bộ Ngoại giao… dành cho LHS theo các diện học bổng Hiệp định và các thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa các CSGD, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam có sự phối hợp tốt trong công tác tuyển chọn, tiếp nhận LHS cũng như kết nối với các CSGD Việt Nam.
LHS được các CSGD quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo thuận lợi về nơi ăn, ở, học tập và sinh hoạt, giúp LHS nhanh chóng hòa nhập. Phần lớn các CSGD có LHS nước ngoài đều giải quyết chu đáo, tận tình, kịp thời, nhanh chóng các khó khăn vướng mắc của LHS. Các địa phương cũng rất chia sẻ và phối hợp hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các CSGD đã có nhiều hỗ trợ rất thiết thực về vật chất, tinh thần và chuyên môn để giúp LHS vượt qua khó khăn, hoàn thành chương trình đào tạo, đảm bảo cả về chất lượng và tiến độ. Qua đó tạo được ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp của LHS nước ngoài đối với đất nước, con người và giáo dục Việt Nam.
Góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo.
Hội nghị đã nghe Ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT báo cáo tổng kết, đánh giá công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý LHS nước ngoài giai đoạn 2016-2021.
Giai đoạn 2016-2021, đã có 155 CSGD tiếp nhận, đào tạo 45.000 LHS nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 12.000 LHS diện Hiệp định (chiếm 26.6% tổng số LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam), 33.000 LHS ngoài Hiệp định (chiếm 73.4%). Trung bình hằng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 LHS tiếp nhận mới vào Việt Nam, riêng 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng Covid-19 chỉ có khoảng 3.000 LHS được tiếp nhận mới trong mỗi năm.
LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam chủ yếu là trình độ đại học và khóa ngắn hạn, số lượng LHS học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chủ yếu là LHS Lào, Campuchia ngoài ra cũng có một số LHS Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản học ngành Việt Nam học.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2021 công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý LHS nước ngoài trong các CSGD đại học đã triển khai theo các định hướng của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT, góp phần đáng kể cho công cuộc hội nhập quốc tế và phát triển giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội. Nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao của các CSGD đã tiếp cận và đạt trình độ quốc tế, tạo sức cạnh tranh cao trong mục tiêu thu hút sinh viên nước ngoài.
Báo cáo cũng chỉ rõ giải pháp cụ thể trong giai đoạn 2022-2030, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong phạm vi công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý LHS nước ngoài, Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án tổng thể về thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam; Chủ động rà soát và hoàn thiện cho quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học, đây là giải pháp mà rất nhiều nước phát triển đã và đang thực hiện; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên; phối hợp chặt chẽ với các Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao/giáo dục của nước ngoài tại Việt Nam.
Ngài Chay Navuth - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.
Đánh giá cao của bạn bè quốc tế
Ngài Chay Navuth - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam nhấn mạnh "Dòng chảy lịch sử 55 năm qua, Việt Nam luôn hỗ trợ cho đất nước Campuchia trên nhiều phương diện, nhất là trong giáo dục, nhiều cán bộ chủ chốt hiện nay phần lớn được đào tạo tại Việt Nam. Cảm ơn những tình cảm quý báu, sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ban ngành Việt Nam đã hỗ trợ cho LHS Campuchia nói riêng và LHS nước ngoài nói chung".
Ngài Khamphan Khamone - Tham tán văn hóa, giáo dục Đại sứ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam
Cùng quan điểm, Ngài Khamphan Khamone - Tham tán văn hóa, giáo dục Đại sứ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam cho biết “Được sự hỗ trợ từ Bộ ban ngành, đặc biệt là các CSGD; LHS Lào luôn được hỗ trợ tận tình, từ cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, trang thiết bị học tập, kế hoạch phụ đạo hỗ trợ LHS nâng cao tiếng Việt, Mô hình Bố/Mẹ đỡ đầu tại các trường đào tạo dự bị tiếng Việt; nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ giữa sinh viên Việt Nam và Lào được tổ chức nhằm giao lưu học hỏi, số lượng LHS Lào lớn, song cũng là thách thức lớn trong công tác quản lý của Đại sứ quán và Bộ GD&ĐT; Chúc cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, tham luận của các CSGD. Nhiều tham luận nổi bật như Tham luận “Quản lý sinh viên quốc tế tại CSGD đại học Việt Nam - Kinh nghiệm từ trường Đại học Hà Nội”. Tham luận “Biện pháp duy trì, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong đào tạo, quản lý LHS tại trường Đại học Trà Vinh”. “Một số kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý LHS của trường Đại học Y dược Thái Bình” ...
Ban Tổ chức chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự.
Tin khác